Du học tại Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, một quyết định đúng đắn trong cuộc đời

02 Mar 2015 Quản trị viên CTTT

Du học tại Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, một quyết định đúng đắn trong cuộc đời


Toàn văn bài phát biểu của sinh viên K42 Angelica Christine, đến từ Philippines, sau 4 năm học tập toàn thời gian tại Chương trình tiến tiến (CTTT), Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Chỉ 1 tháng sau khi dành tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi tại Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Angelica đã trở thành trợ lý dự án tại Tập đoàn Berkman International, Manila, philippines.

Hôm nay là ngày ghi nhận thành công của khóa tốt nghiệp đầu tiên của CTTT - thành công đến từ chính sự cố gắng của từng cá nhân.

Trong 20 năm qua, mình chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có cơ hội trình bày bài phát biểu trong lễ tốt nghiệp như thế này trước cộng đồng quốc tế tại Việt Nam, quê hương thứ 2 của mình. Quyết định du học, với mình vừa là thử thách, vừa là sự háo hức chờ mong. Vì sao lại là thử thách ư? Với một cô gái vừa tròn 16 tuổi, đi xa nhà cả ngàn cây số chắc chắn là thách thức khó khăn lắm chứ. Còn nhớ thời điểm đó, mình chỉ có thể nói câu "bao nhiêu tiền?" là lưu loát nhất. Sau 3 năm rưỡi, tiếng việt của mình đã lên đến trình độ "hết tiền rồi nhé". Đó là khi mình có thể nhìn thế giới này với ánh sáng hoàn toàn mới: một chân trời mới, một tầm nhìn rộng mở hơn.

Vượt qua những thử thách ban đầu, việc học tại Việt Nam đã thực sự truyền cảm hứng cho mình và sẽ là một ký ức mà mình sẽ không thể nào quên trong suốt cuộc đời. Mình cho rằng đây là việc mà tất cả các các bạn trẻ nên làm. Có rất nhiều sự tương đồng giữa Việt Nam và Philippine, nhưng một trong những trải nghiệm lớn đầu tiên về Việt Nam là ấn tượng của mình trước địa lý, con người, và sự đa dạng văn hoá nơi đây. Trong những ngày đầu, tất cả những gì mình có thể thấy chỉ là tắc đường với quy mô lớn bởi hàng trăm chiếc xe máy dọc theo những con đường hẹp, những quán ven đường, những người đang la hét nhưng thực ra chỉ là đang nói chuyện phiếm với nhau, và những mùi lạ khiến mình cảm thấy rất khác biệt. Rồi thời gian trôi qua, mình nhận ra rằng, những sự việc trên trở nên thân thuộc đến lạ lùng và là một trong những điều hấp dẫn của đất nước xinh đẹp này. Khi bạn đi dạo hay lái xe xung quanh thành phố, tắc đường, những con phố hẹp, và mạng lưới dây điện chằng chịt sẽ trở thành những cuộc phiêu lưu hàng hải đầy thú vị. Những hàng bán rong xung quanh trường đại học trở thành cơ hội luyện nói ngoại ngữ hay kết bạn cho sinh viên Việt Nam và quốc tế. Cuối cùng, mình đã có thể hiểu được ý nghĩa của câu nói "Nhập gia tùy tục".

Phần quan trọng nhất trong quãng thời gian mình sinh hoạt và học tập ở Việt Nam là quen biết thêm được rất nhiều người Việt và càng ngày càng cảm thấy yêu người Việt Nam hơn. Lòng hiếu khách của người Việt Nam là điều mà mọi người trên thế giới nên học tập. Mình đã được mọi người ở đây chào đón với sự hào phóng, tình bạn thân thiết và sự cộng tác đầy ăn ý. Nếu trước đây mình chỉ có thể hỏi "Anh tên là gì?"  thì giờ đây mình đã có thể nói " Em yêu anh" như lời chào thân mật.

Có thể rất nhiều người trong chúng ta luôn tự hỏi tại sao tất cả chúng ta ở đây? Đó là bởi vì chúng ta muốn ghi nhớ lại những cố gắng và nỗ lực của bản thân trong 4 năm qua trong lĩnh vực môi trường và những vấn đề khoa học. Nhưng riêng với mình, khi mình đang đứng trước mặt các bạn hôm nay, câu hỏi của mình chỉ là tại sao tất cả chúng ta đã ở đây? Hoặc đơn giản hơn là tại sao chúng ta lại quyết định học CTTT? Nhiều người trong số bạn có thể cho rằng đó là vì bạn muốn học tiếng Anh trong môi trường quốc tế mà chương trình cung cấp, bạn muốn đi du học, bạn muốn tìm được công việc tốt, hay đơn giản chỉ bởi vì bố mẹ bạn muốn bạn học ở đây.

Sau gần 4 năm, mình đã nhận ra rằng CTTT không chỉ dạy chúng ta làm sao để thành công, mà chương trình đã dạy chúng ta làm sao để tìm được thành công cho riêng mình. Đó là lý do chính tại sao gần như tất cả chúng ta ở đây ngày hôm nay đã đặt chân lên nhiều nước khác nhau trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Indonesia, Đài Loan và cả quê hương mình - Philippine. Những giấc mơ đều trở thành hiện thực nhờ sự giúp đỡ của CTTT trong công tác tìm kiếm, phát triển và mở rộng những cơ hội xung quanh thế giới rộng lớn này. Chúng  ta học được từ đây không phải làm thế nào xuất sắc qua môn thống kê hay hóa, cũng không phải cách làm bằng cấp chứng chỉ đẹp hơn mà là những bài học về cuộc đời. Thành công không phải luôn luôn đến từ sự thông minh, giàu có hay nổi tiếng. Trong trường hợp của mình, định nghĩa về thành công thay đổi theo thời gian. Khi mình còn nhỏ, mình cho rằng thành công là luôn luôn là người đầu tiên và là người giỏi nhất. Giống như trong bộ phim "Ba thằng ngốc", một câu hỏi được đặt ra là " Ai là người đặt chân đầu tiên lên mặt trăng?" và mọi người đều có câu trả lời đúng. Nhưng khi được hỏi "Ai là người thứ hai đặt chân lên mặt trăng?" không ai đưa ra được câu trả lời chính xác. Đó là bởi vì mọi người luôn tin rằng thành công nghĩa là luôn luôn là người đầu tiên. Nhưng khi mình đến Việt Nam, mình đã nhận ra rằng thành công nên được tính dựa trên ảnh hưởng của một người đến những người xung quanh. Vì vậy, lời nhắn nhủ của mình đến tất cả những bạn ở đây là "Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ". Chúng ta nên đầu tư thời gian vào phát triển các kỹ năng và mở rộng kiến thức về nhiều lĩnh vực của cuộc sống hơn là chỉ để đánh bóng CV và bằng cấp. Thành công của chúng ta sẽ chẳng là gì nếu chúng ta không áp dụng chúng vào thực tế.

Angelica Christine (thứ 7, từ phải sang, hàng thứ 2) trong trang phục áo dài Việt Nam chụp ảnh kỷ yếu cùng lớp K42 CTTT

Và để kết thúc bài phát biểu này, mình muốn trân trọng gửi lời cảm ơn đến những người bằng cách này hay cách khác đã giúp mình thành công hoàn thành khóa học đại học này. Đầu tiên là gia đình mình (đặc biệt là mẹ, bà và cô mình), những người đã vượt qua cả cuộc hành trình dài từ Philippine đến đây chỉ để chứng kiến thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời mình. Mình cũng muốn dành một lời cảm ơn cho tất cả những quản lý, giảng viên, và những người đã góp phần vào công tác phát triển CTTT của trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, trường ĐH California, Davis. Cảm ơn các sinh viên và giảng viên Philippine, đặc biệt bà Olivia, chuyên gia đào tạo của CTTT và ông Nestor vì đã trở thành bố mẹ thứ hai của chúng mình tại Việt Nam. Cảm ơn những người bạn Việt Nam vì đã tạo ra những kỷ niệm không thể quên trong suốt thời gian sinh viên của mình. Và một lời cảm ơn đặc biệt dành cho những anh chị em của mình - Camille, Shekinah, Marcia, Boni, Ezekiel, Paul và Shelah vì đã cùng mình vượt qua tất cả những lúc vui buồn tại đây. Cuối cùng, xin cảm ơn tất cả thành viên lớp K42 những người đã luôn bên mình trong những năm qua. Xin chúc mừng và Chúa phù hộ chúng ta - God bless.

Angelica Christine